Mặc dù việc nuôi con bằng sữa mẹ là vô cùng cần thiết nhưng bất cứ trẻ nào cũng sẽ đến thời điểm cần cai bú mẹ. Tìm được cách cai sữa cho bé nhanh mà nhàn luôn là mục đích mà các mẹ hướng đến. Cai sữa cũng là lúc bé bắt đầu giai đoạn mới. Khi ấy bé sẽ tập ăn các loại thức ăn thô và các chế phẩm từ sữa ngoài thay cho sữa mẹ tới khi bé ngừng bú hoàn toàn.
Vậy khi nào mẹ nên bắt đầu cai sữa cho bé? Mẹ hãy đọc tham khảo bài viết dưới đây của mebeshop nhé!
Cai sữa cho bé vào thời điểm nào là tốt nhất?
Nếu có khả năng, mẹ hoàn toàn có thể cho con bú cho tới khi bé được 2 tuổi hoặc thậm chí lớn hơn. Việc lựa chọn cách cai sữa cho bé và thời điểm để thực hiện việc này hoàn toàn tùy thuộc vào mẹ, miễn sao bản thân mẹ và bé đều sẽ cảm thấy thoải mái và vui vẻ với quyết định này.
Thông thường, quá trình cai sữa sẽ diễn ra một cách tự nhiên và từ từ, khi trẻ đã đủ cứng cáp và bắt đầu ăn dặm.
Việc chọn thời điểm thích hợp để cai sữa là rất quan trọng!
Việc bú sữa mẹ hoàn toàn được khuyến khích trong vòng 6 tháng đầu đời của trẻ. Sau đó, mẹ có thể cân nhắc việc bắt đầu cho bé ăn dặm song song với việc bú mẹ cho tới khi bé tròn 1 tuổi. Bởi vì trong năm đầu tiên, bé vẫn cần hấp thu dưỡng chất và năng lượng từ nguồn sữa mẹ là chính. Bên cạnh đó, sữa mẹ cũng góp phần giúp hệ tiêu hóa của trẻ dễ thích nghi hơn trong những ngày đầu tiên tập ăn thô.
Mẹ cũng nên lưu ý rằng, đối với trẻ dưới 1 tuổi, mẹ không nên cho bé uống sữa bò như thức uống chính vì lúc này bé không thể tiêu hóa sữa bò một cách trọn vẹn và dễ dàng như sữa công thức. Ngoài ra, sữa bò có hàm lượng protein cũng như muối khoáng khá cao và khiến cho hoạt động thận của trẻ bị quá tải. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể cho thêm một hàm lượng sữa nhỏ vào công thức chế biến món ăn dặm cho trẻ.
Cách cai sữa cho con nhanh nhất có thực sự tồn tại?
Thực tế, mẹ không nên ngừng cho con bú ngay lập tức, vì điều này sẽ gây ra nhiều biến chứng và đau đớn như căng tức, cương sữa, tắc tia sữa hoặc thậm chí là viêm vú. Cách cai sữa hiệu quả nhất chính là thực hiện cách cai sữa cho bé từ từ. Mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giảm sự khó chịu trong quá trình cai sữa:
- Vắt 1 lượng sữa nhỏ để giảm áp lực và đau đớn ở bầu vú: Mẹ có thể sử dụng máy hút sữa hoặc dùng tay vắt sữa để tránh bị căng tức. Nhưng mẹ nên nhớ là chỉ vắt một lượng nhỏ vừa đủ để mẹ cảm thấy thoải mái hơn, chứ không nên vắt kiệt sữa vì điều này càng kích thích cơ thể sản sinh ra nhiều sữa mới, khiến quá trình cai sữa càng trở nên khó khăn và kéo dài.
- Chườm lạnh hoặc nóng: Mẹ có thể dùng khăn nóng/lạnh hoặc lá bắp cải đã được rửa sạch và ướp lạnh, cho vào mặt trong của áo lót để chườm giảm đau. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng việc chườm mát có thể góp phần giúp rút ngắn thời gian cai sữa.
- Sử dụng thảo dược để giảm sữa như hoa nhài, lá bạc hà, rau ngò tây, lá ngải đắng.
Cách cai sữa hiệu quả nhất – mẹ cần lưu ý điều gì?
Cai sữa dần dần
Mẹ không nên ngừng cho bé bú ngay lập tức, mà nên giảm số lần cho bé bú trong một ngày, đó là cách cai sữa cho bé hiệu quả nhất. Bởi vì nếu mẹ cai sữa ngay lập tức, thì không chỉ có bé mà bản thân mẹ cũng cảm thấy khó chiu. Mẹ có thể bị căng tức sữa, thậm chí là có thể bị viêm vú và gặp nhiều đau đớn.
Cách cai sữa mẹ không đau và con dễ hợp tác chính là bỏ dần từng bữa. Để việc cai sữa diễn ra dễ dàng hơn, khi bắt đầu, mẹ nên chọn cai từ bữa phụ của bé. Bữa đầu tiên và cuối cùng trong ngày là 2 bữa sẽ được duy trì đến cuối quá trình cai sữa.
Cho bé làm quen dần với thực phẩm thay thế
Nếu bé chưa được 1 tuổi, mẹ có thể thêm thắt sữa công thức để thay thế một phần sữa mẹ, điều này giúp bé cảm thấy thoải mái hơn.
Khi bé lớn hơn 1 tuổi và đã có thể ăn dặm với nhiều loại thực phẩm cũng như thức uống khác thì mẹ không nhất thiết phải cho bé sử dụng sữa công thức nữa. Một khi bé đã quen với việc bỏ một bữa sữa mẹ để cai sữa (sau khoảng 1 tuần hoặc dài hơn), mẹ có thể tiến hành tăng số lượng bữa cai sữa cho bé, cứ thế tiếp tục đến khi cai hẳn hoàn toàn.
Giữ chế độ dinh dưỡng, ngủ nghỉ hợp lý cho mẹ
Cai sữa là khoảng thời gian cơ thể mẹ tiếp nhận nhiều thay đổi, mẹ có thể cảm thấy căng thẳng vì bé quấy khóc nhiều hơn mọi khi, chính vì thế, một chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý là điều rất cần thiết.
Mẹ hãy cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, bổ sung nhiều vitamin và dưỡng chất để cơ thể có thể thích nghi được với những thay đổi về tâm sinh lý.
Mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến chất lượng giấc ngủ. Để cơ thể tự hồi phục sau những cơn đau nhức và tự chữa lành thì ngủ đủ giấc mỗi đêm là cách tốt nhất và đỡ tốn kém chi phí nhất.
Giúp bé làm quen với nếp sinh hoạt mới
Mẹ cũng có thể kết hợp chiến lược “đánh lạc hướng” sự chú ý của bé khỏi việc bú ti mẹ đồng thời vẫn thực hiện đúng cách cai sữa nhanh nhất cho bé bằng cách cho bé ăn món khác vào giờ ăn thường ngày, hoặc chơi đùa cùng bé ở một địa điểm khác, tránh ngồi gần khu vực mọi khi bé hay ngồi ăn.
Bé bú mẹ không chỉ đơn giản là cần được cung cấp dinh dưỡng, mà còn là khoảng thời gian kết nối thiêng liêng giữa mẹ và bé. Vì vậy, khi bắt đầu các cách cai sữa cho bé, mẹ nên dành thêm thời gian để ôm ấp cưng nựng bù đắp cho bé nhé!
Mất bao lâu để cai sữa hoàn toàn cho bé?
Quá trình cai sữa cho bé có thể kéo dài trong khoảng từ vài tuần cho đến vài tháng. Thời gian cai sữa của mỗi mẹ đều khác nhau và phụ thuộc vào mức độ thích nghi của bé. Mẹ cũng nên giữ tốc độ cai sữa ở mức ổn định, đồng thời luôn sẵn sàng ứng phó linh hoạt trong nhiều trường hợp, chẳng hạn như khi bé ốm thì mẹ cần ưu tiên sức khỏe của bé và cai sữa từ từ.
Trong vòng 7 đến 10 ngày sau khi mẹ đã hoàn thành quá trình cai sữa cho bé thì sữa sẽ cạn dần. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể thấy sữa tiết ra một lượng rất nhỏ trong vòng vài tuần hoặc vài tháng sau đó.
Ngoài ra, mẹ nên đặc biệt lưu ý rằng, nếu hiện tượng sữa vẫn về lượng lớn và kéo dài vài tuần sau khi mẹ đã cai sữa cho bé hoàn toàn, thì rất có thể mẹ đang gặp vấn đề về hormone. Lúc này mẹ nên gặp bác sĩ để khám nhé!
Mẹ nên làm gì nếu bé không hợp tác trong quá trình cai sữa?
Bú sữa mẹ giúp bé cảm thấy dễ chịu và được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, vì vậy sẽ chẳng khó hiểu nếu bé tỏ rất bất hợp tác cho dù mẹ có áp dụng bất cứ cách cai sữa cho bé nào đi nữa. Thế nhưng mẹ hãy cho con thêm thời gian, kiên nhẫn hết sức có thể và giúp bé thích nghi bằng cách thực hiện những việc sau:
Vồ về bé bằng nhiều cách
Trong quá trình cai sữa, mẹ có thể thay thế dần dần việc cho bé bú bằng nhiều cách để xoa dịu và giúp bé cảm thấy dễ chịu như ôm ấp, vỗ về hoặc tạo nhiều cơ hội để bố để kết nối với bé nhiều hơn. Mẹ cũng có thể cùng chơi với bé, đọc sách và kể chuyện cho bé nghe. Vào buổi tối trước khi cho bé ngủ, mẹ cũng nên nhẹ nhàng xoa lưng cho bé, hoặc vỗ về từng nhịp theo tiếng hát ru.
Chờ đợi và lựa chọn thời điểm thích hợp
Có rất nhiều tình huống có thể xảy ra và khiến cho quá trình cai sữa trở nên khó khăn, ví dụ như bé bị ốm hoặc cảm thấy không khỏe. Những lúc như vậy, trẻ cần nhiều dinh dưỡng để bù đắp lại cho cơ thể, chính vì vậy, nhu cầu bú sữa của bé sẽ tăng lên.
Dù mẹ áp dụng cách cai sữa cho bé thế nào đi nữa, thì chìa khoá quan trọng nhất chính là sự kiên nhẫn. Nếu quá trình cai sữa diễn ra không được suôn sẻ mẹ có thể tạm dừng một thời gian và thử lại sau đó một vài tuần. Mẹ cũng đừng nên lo lắng và tạo áp lực cho bản thân mà hãy cứ bình tĩnh nhé!