Kiểm tra thính lực là biện pháp sớm nhất và quan trọng nhất để biết trẻ có bị suy giảm thính lực hay không. Tuy nhiên bố mẹ và những người chăm sóc trẻ cũng cần bổ sung kiến thức để có thể nhận biết các dấu hiệu trẻ bị điếc bẩm sinh.
Các dấu hiệu bị điếc ở mỗi trẻ có thể khác nhau và thay đổi tùy theo các mức độ suy giảm thính lực. Về bản chất, các dấu hiệu cảnh báo có thể thoáng qua và không khiến bố mẹ lo lắng (ví dụ: có thể trẻ ngủ rất say hoặc bị đau bụng và không bình tĩnh trước bất kỳ giọng nói hoặc âm thanh nhẹ nhàng hay dỗ dành của bất kỳ ai). Trong trường hợp này, bố mẹ cần liên hệ với bác sĩ của trẻ ngay lập tức nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu báo động được liệt kê bên dưới.
Với trẻ dưới 3 tháng tuổi
- Không giật mình khi có tiếng động lớn, đột ngột.
- Không có bất kỳ phản ứng nào đối với các âm thanh, tiếng nhạc hoặc giọng nói xung quanh.
- Không bớt quấy khi nghe âm thanh êm dịu.
- Không cựa người hay tỉnh dậy khi đang ngủ trong phòng yên tĩnh mà chợt có âm thanh, tiếng nói ồn ào xung quanh.
- Không tạo ra được âm thanh ê a như “ư”, “ơ” khi được 2 tháng tuổi.
- Không yên lặng lắng nghe khi thấy giọng nói quen thuộc (khi trẻ được 2 tháng tuổi).
Với trẻ 4-8 tháng tuổi
- Không quay đầu hay hướng mắt về phía âm thanh.
- Không thay đổi nét mặt nếu có tiếng nói hoặc âm thanh lớn vang lên trong phòng yên tĩnh.
- Không tỏ vẻ thích thú với những đồ chơi phát ra âm thanh như cái chuông hay lục lạc…
- Không cố bắt chước âm thanh khi được 6 tháng tuổi.
- Không tự mình ê a hay ê a để đáp lại người trò chuyện với mình.
- Không có phản ứng khi người lớn nói “không” và thay đổi giọng nói.
- Có vẻ không nghe được một số kiểu âm thanh nhất định.
- Chỉ chú ý tới những âm thanh có độ rung (có thể cảm nhận được) nhưng không chú ý tới những âm thanh bình thường khác (vốn chỉ có thể được nghe thấy).
Với trẻ 9-12 tháng tuổi
- Không nhanh chóng quay thẳng về phía âm thanh nhỏ hoặc tiếng “suỵt”.
- Không phản ứng khi được gọi tên.
- Không thay đổi âm lượng và cao độ của giọng nói khi bi bô trò chuyện.
- Không có phản ứng với âm nhạc (không lắng nghe, không nhún nhảy hoặc ê a hát theo).
- Không nói được những từ đơn giản như “ba-ba” hay “ma-ma” khi lên 1 tuổi.
- Không hiểu những từ phổ biến như “ăn”, “tạm biệt”, “quần áo”…
Các vấn đề về thính giác ở trẻ sơ sinh có thể cản trở sự phát triển ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ, đặc biệt là có thể gây ra chứng chậm nói. Bố mẹ có thể tham khảo thêm tại bài viết Những điều bố mẹ nên biết về chứng chậm nói ở trẻ.